Giữa đại dịch Coronavirus, “I love you” có nghĩa là “Goodbye”

Giữa cơn khủng hoảng dịch bệnh toàn cầu có tên Coronavirus, “I love you” được người ta nói ra như một lời từ biệt. Lời này được thốt ra trước nỗi mất mát, cô đơn thay vì trước cái ôm hay nụ hôn như thường thấy.

Một bác sĩ Mỹ kể cho chúng ta những câu chuyện rất thật về giai đoạn mà cả hành tinh đang gồng mình gánh chịu, cố gắng sống sót, và để tình yêu được hiển hiện theo cách thật lạ lùng.

“I love you”, tôi nói với vợ, và lặng đi một chút, tôi thì thầm: “Tạm biệt”.

Lúc đó là 6 giờ sáng, cách đây 3 tuần, tôi thức dậy đi làm. Tôi cố gắng nói thật ít để không khiến vợ mình khó quay trở lại giấc ngủ. Cô ấy đã có một đêm vất vả với hai đứa trẻ 4 tuổi và 13 tháng tuổi. Những thiên thần nhỏ của tôi đang cuộn tròn ngon giấc.

“I love you”, cô ấy trở mình và nói.

Tôi cảm thấy có một khao khát mãnh liệt được ôm chầm lấy cô ấy, mơn man làn tóc mềm thơm và đặt lên môi vợ mình một nụ hôn đơn giản nhưng nồng ấm. Với một cảm giác trống rỗng, tôi rời đi và không biết khi nào có thể gặp lại nhau.

3 tuần sau đó, bệnh viện của tôi bước vào kỳ chống chọi với dịch bệnh đầy căng thẳng. Đó thật sự là buổi sáng cuối cùng tôi găp vợ và các con mình tính cho đến lúc tôi viết những dòng này.

Bây giờ, sau mỗi 12 giờ làm việc mỗi ngày, tôi sẽ trò chuyện với cô ấy qua màn hình laptop, nói “I love you”, vẫy tay chào tạm biệt và chúc nhau ngủ ngon. Chất lượng hình ảnh khá tốt, khuôn mặt những người thân hiện ra sắc nét như thể họ đang ở ngay trước mặt tôi.

Công nghệ đã giúp làm nguôi phần nào sự nhớ nhung của những ngày cách ly. Tuy nhiên, đôi lúc đó là một sự chế giễu chính chúng ta. Công nghệ hiện đại đã không phát hiện được virus đang lây lan trong cộng đồng, chúng ta còn quá nhiều thiếu sót để kiểm tra, nhận ra dịch bệnh, để bạn bè và người thân phải xa nhau. Và giờ thì chúng ta đang dùng công nghệ để xóa đi phần nào sự xa cách đó.

Thế nhưng, giữa đại dịch, việc nói “I love you” như một lời tạm biệt của tôi vẫn còn ít mất mát hơn nhiều người khác.

Một bác sĩ phòng cấp cứu nói “I love you” với gia đình trước khi các đồng nghiệp tiến hành đặt ống thở cho ông, bởi tình trạng sức khỏe tệ đi. Cuộc chiến đầy cảm xúc ấy tàn phá hào quang về những chiến binh áo trắng như những người bất khả chiến bại chống lại virus.

“I love you”, người chồng nói với vợ. Cả hai đều nhiễm Coronavirus, phải nhâp viện và nằm kế nhau. Ánh mắt họ chạm nhau khi người chồng được các nhân viên y tế chuẩn bị đưa đến phòng chăm sóc đặc biệt, sử dụng máy thở do tình trạng bệnh xấu đi nhanh chóng. Đó có thể lần cuối cùng họ nhìn thấy nhau. Và “I love you” có thể trở thành những lời cuối cùng của họ.

Đằng sau áo choàng, lớp khẩu trang, kính bảo hộ, không có đôi mắt nào của y tá, bác sĩ lại không rưng rưng, dõi theo “chuyến đi” của người chồng, khuất dần cuối hành lang.

Một cụ già với lá phổi đầy mủ, viêm nặng, đang cố gắng thốt ra từng lời khó khăn “I love you” với những đứa cháu nhỏ, thông qua cuộc gọi video. Bà thở dốc, và rất đau. Con gái của bà là y tá của kíp trực và tôi đều đề nghị bà tăng liều thuốc giảm đau, an thần. Tuy nhiên, bà đã từ chối để tranh thủ thêm thời gian trò chuyện với các cháu về bài tập về nhà của chúng.

Tôi nghe con gái bà nói với con trai của cô rằng bà đang trên đường đến thiên đàng và họ sẽ không thể gặp lại bà nữa. Tôi bước lại gần, muốn ôm lấy bà như cách tôi vẫn làm trước khi từ biệt một bệnh nhân sắp qua đời. Nhưng tôi đã ngăn mình lại. Một hành động thể hiện sự đồng cảm, chia sẻ vào thời mọi thứ còn bình thường, giờ đây, mang lại rất nhiều rủi ro lây nhiễm.

Khi hệ thống y tế quá tải, hết giường bệnh, thiếu hụt nhân viên y tế và trang thiết bị, việc nói “I love you” có nghĩa là “tạm biệt” càng trở nên phổ biến.

Nói lời tạm biệt như cách thể hiện tình yêu cũng là cách chúng ta vượt qua đại dịch. Ngay lúc này, giãn cách xã hội là biện pháp duy nhất để bảo vệ những người thân yêu dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh. Mặc dù thật buồn khi nhìn con trai nhỏ của tôi bước những bước chập chững qua màn hình video, và ước rằng thằng bé đang thực sự đi về phía mình, tôi biết sự xa cách bây giờ là cần thiết.

Vượt qua dịch bệnh là điều không dễ dàng, điều tồi tệ nhất có thể còn chưa đến. Không ai trong chúng ta là hoàn toàn vô sự. Nhưng tôi tin rằng lời tạm biệt bây giờ và sau đó là quá trình giãn cách xã hội là điều tốt nhất giúp chúng ta sống sót, để tôi có thể trở lại thời điểm mà khi ôm hôn vợ, tôi không còn cảm giác e sợ nữa.

Khi mà “I love you” chỉ có nghĩa là chính nó, một lần nữa.

Lược dịch từ New York Times

Gửi bình luận

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.