Nắm 1964, Alaska nhận lấy trận động đất khủng khiếp nhất lịch sử nước Mỹ, cũng là cơn địa chấn lớn thứ 2 trên toàn cầu. Mối lo về bạo động, cướp bóc, khủng hoảng có thể tạo nên thảm họa không thua gì sự đứt gãy kinh hoàng dưới lòng đất kia.
Một phái đoàn các nhà khoa học xã hội được đưa đến tâm chấn, sẵn sàng ghi lại cuộc khủng hoảng, đứt gãy trong mối quan hệ giữa người và người trong thảm họa. Thế nhưng, những điều họ ghi nhận được thật sự kỳ lạ.
Ngày thứ 6 không an lành
Alaska không lạ gì với những trận động đất, nhưng những gì xảy ra vào ngày thứ 6 năm 1964 ấy lại rất khác. Ở Anchorage – thành phố lớn nhất của Alaska – một nhân viên bán ô tô cũ đang loay hoay kiểm tra một chiếc xe không thể khởi động được. Thế rồi anh thấy mình chao đảo, cơ thể anh rung lắc, choáng váng, khiến anh tin mình lên cơn đau tim.
Một phụ nữ lái xe trên đại lộ Northern Lights sợ hãi không biết tại sao con đường không đứng yên. Đó là một quá trình nhận biết rất chậm chạp: Bạn từ từ nhận ra trận động đất, mặc dù nó đã khiến bạn rung lắc trước đó một khoảng thời gian dài.

Trận động đất này cuối cùng có cường độ 9,2 độ richer và tàn phá thành phố trong vòng 4,5 phút. Các tòa nhà với nền móng hư hỏng, đã sụp xuống hoặc bị chia đôi. Mặt đất bị xé toạc, một rạp chiếu phim nằm sống xoài trên đường. “Thành phố như bị giày xéo dưới gót chân của một loại quỷ dữ”, New York Times miêu tả.
Thời điểm đó, tiểu bang Alaska mới 5 tuổi, nhưng Anchorage là thành phố lớn nhất và cũng nhiều tham vọng nhất vùng đất này. Ở đây có 100.000 người, chiếm gần 50% dân số toàn tiểu bang. Thứ 6 đen tối ấy đã khiến nhiều biểu tượng sự tiến bộ, tham vọng của thành phố này sụp đổ. “Niềm tự hào lớn nhất của chúng tôi, những tòa nhà cao nhất hoặc là sụp đổ hoặc là bị ảnh hưởng nặng nề”, một doanh nhân nói với NYT.
Trong 4 phút rưỡi ấy, thành phố được đặt vào khúc cua lịch sử, nơi mà ranh giới trước và sau trận động đất được vẽ ra rõ ràng, một quá khứ huy hoàng đối lập với tương lai vô định. “Người dân Alaska phải làm gì bây giờ”, một người đàn ông nhớ lại cảm giác của mình vào thời điểm kinh hoàng đó.
Có thể bạn đã từng đối mặt với thảm họa thế này. Có thể bạn phải cố sống sót sau thảm họa trong vài tuần, hoặc là nhiều năm. Càng ngày, cuộc sống của con người sẽ càng mong manh trước những đổi thay khó lường, những cơn địa chấn nhỏ rồi lặng lẽ lớn dần trở thành cú sốc, thảm họa. Hiến pháp, luật lệ, chuẩn mực, lề thói, trò chơi chính trị, bàn cờ thời thế… đều không còn ý nghĩa gì trước một thảm họa như động đất, dịch bệnh, đám cháy kinh hoàng.

Tất cả chúng ta đều biết những thời điểm mà thế giới bị thách thức trước những biến cố đột ngột, thực tại bị đảo lộn, những điều không thể tưởng tượng được áp đảo cuộc sống thực tế. Chúng ta không cần cố gắng tìm kiếm, chúng ta cảm nhận được sự bất ổn luôn ở đâu đó, ngay sát mình. Một cách ngẫu nhiên, không có cảnh báo, một thứ ma thuật xuất hiện và khiến thế giới không bao giờ còn như trước nữa.
Nỗi sợ của loài người và một kịch bản khác
Tin về trận động đất khủng khiếp tại Alaska đến tai các nhà xã hội học tại Ohio State University trong buổi sáng sớm hôm sau. Họ nghe nói trung tâm thành phố đã bị nuốt chửng, với 300 hoặc 600 người đã chết. Những sinh viên mới tốt nghiệp tại đại học này được “ném” ra sân bay sau một tiếng rưỡi chuẩn bị, để tiến về “tiền tuyến”. Họ đi thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt: Ghi chép lại cơn hoảng loạn của con người.
Trận động đất hay thảm họa sẽ tạo ra những cảm xúc mạnh mẽ ở con người. Và khi cảm xúc đủ mạnh, nó sẽ quyết định hành động trước mọi trí tuệ, tư duy, logic. Và những nhà khoa học tin sự sợ hãi của các nạn nhân sẽ mang đến những hành vi xã hội điển hình.
The Disaster Research Center – Trung tâm nghiên cứu thiên tai tại Ohio, ngay lúc đó vẫn là một viện nghiên cứu mới tinh với sứ mệnh phái các nhà khoa học xã hội đến bất cứ điểm nóng thiên tai nào để có những tài liệu chính xác về nơi đó.
Khi Chiến tranh Lạnh đang leo thang cùng hậu quả của cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, America’s Office of Civil Defense đã tuyệt vọng trong cuộc chiến tranh hạt nhân với Liên Xô. Một quả bom rơi xuống Mỹ không chỉ gây ra sự hủy diệt về thể xác mà còn là bệnh dịch, sự tuyệt vọng, sự man rợ cho những người sống sót. “Các chuyên gia đã cảnh báo trước một đợt bùng phát chứng cuồng loạn thần kinh trong cộng đồng dân thường”, nhà khoa học xã hội Richard M. Titmuss viết vào năm 1950, “họ sẽ hành động như những đứa trẻ không bao giờ hài lòng điều gì đó”.
Các nhà chức trách xem những thảm họa tự nhiên như sự mô phỏng sự khủng hoảng, đổ vỡ xã hội trên diện rộng và các nhà khoa học có thể xem xét từ đó. Đó là lý do những nhà khoa học xã hội được đưa đến Anchorage ngay sau thảm họa. Tuy nhiên, 28 giờ sau trận động đất, khi các nhà khoa học đến được thành phố đổ nát này, họ phát hiện ra điều hoàn toàn ngược lại. Mọi người đang sát cánh cùng nhau, với một lòng trắc ẩn đáng kinh ngạc.
Ngay khi cơn rung chuyển dừng lại, thị dân bắt đầu bò qua những tàn tích, tìm kiếm người sống sót. Boy Scouts – một nhân viên phát danh bạ điện thoại đã giúp 22 bệnh nhân sơ tán khỏi bệnh viện hư hỏng nặng, trong khi một đội taxi dân sự chở sẵn để chở những người này đến bệnh viện khác trên khắp thị trấn.
Những người khác đang cùng nhau tháo dỡ, đào bới những khối bê tông đang đè nát các phương tiện giao thông, cứu người bị nạn. “Mọi người nhảy vào ngày, mỗi người một tay giúp đỡ những ai bị nạn”, một người đàn ông ở hiện trường nói với phái đoàn nhà xã hội học.

Đến hôm sau, hàng trăm tình nguyện viên đã hội tụ tại thành phố, cùng với cảnh sát và đội cứu hỏa bắt tay vào khắc phục hậu quả thảm họa. Không có bất kỳ ai trong chính quyền thành phố lường trước sự xuất hiện của các tình nguyện viên và cũng không ai điều phối việc này.
Trong một thảm họa, chính quyền thường phải lo về sự hỗn loạn của dân thường, họ hay chạy trốn khỏi khu vực bị ảnh hưởng. Ở đây, mọi người lại cùng chung tay để trợ giúp nhau.
Hầu như không có hành vi cướp bóc, bạo lực hay chống đối nào để làm tư liệu cho các nhà xã hội học. Đội The Disaster Research Center dành 1 tuần ở thành phố, sau đó quay lại Anchorage 5 lần trong 18 tháng sau trận động đất, thực hiện gần 500 cuộc phỏng vấn để xem xét việc tái cấu trúc cộng đồng sau thảm họa. Tuy nhiên các nhà khoa học gặp lúng túng trong việc rút ra kết luận, khi những hành động của mọi người trong thảm họa không xuất phát theo quy định hay phương pháp nào. Mọi thứ có vẻ như rất bản năng, ngẫu hứng.
Một nhân viên bán thời gian tại đài phát thanh đã cùng bạn bè cố gắng phát sóng đến người dân thông tin cần thiết. “Ai là người quyết định những gì bạn phát sóng?”, nhà khoa học hỏi. “À thì chúng tôi chỉ trò chuyện thôi mà”, người đàn ông này trả lời.
Một điều gì đó đã khiến những người ở tâm chấn quan tâm đến nhau nhiều hơn, dành cho nhau tình cảm, sự cởi mở mà gần như không xuất hiện trong điều kiện bình thường.
“Nó hiện ra trước mắt bạn và thôi thúc bạn hành động như thế”, Dolly Fleming – một y tá không thể tìm ra cách giải thích sắc sảo hơn về việc bà lao vào giúp đỡ người gặp nạn. Trong trận động đất, bà thấy một đứa trẻ đứng trước mặt mình, vào theo bản năng, bà lao đến ôm chặt đứa bé, che chắn cho cậu suốt 4 phút rưỡi. Nhiều thập kỷ trôi qua, ở tuổi 93, mặc cho nhiều ký ức đã phai mờ, bà vẫn nhớ câu nói đã lặp lại trong suốt cơn rung chuyển năm đó: “Tạ ơn trời, tôi ở đây. Tạ ơn trời, tôi ở đây và tôi có thể giữ lấy cậu bé này”.
Sự lây lan, mối đe dọa của virus sẽ khiến chúng ta có sự phản ứng hoàn toàn với một cú sốc tức thời. Đối với hầu hết chúng ta, thảm họa này là vô hình, không lường trước, và lan tỏa nhanh. Tuy nhiên, kỳ tích nào cũng sẽ bắt nguồn từ mối liên kết sâu sắc với bài học tại Anchorage. Một số nghĩa vụ cần được đảm bảo, bạn sẽ cần vượt qua sự giằng co giữa sự ích kỷ cá nhân và sự an toàn của cộng đồng.
Rửa tay, ở nhà khi bệnh, hạn chế đi lại, giữ sức khỏe, đừng chạm vào mặt chính mình – những hành động nhỏ có thể khiến bạn nghĩ làm sao có thể cứu được thế giới, nhưng thật ra là có. Bên cạnh đó, chúng ta cần những nhà chức trách minh bạch, sáng suốt, kịp thời. Bạn có thể thấy việc hủy bỏ một buổi hòa nhạc, không tham gia một trận bóng đá khiến bạn mất niềm vui. Thế nhưng, hãy nghĩ rằng, bạn đang được trao quyền để có một cục diện khác hơn về cơn dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng. Để ngăn chặn cuộc rung chuyển lớn hơn của thế giới, hãy thực hiện những hành động nhỏ nhất này.
56 năm kể từ sau trận động đất, tin vui đó là toàn bộ lĩnh vực khoa học xã hội, nghiên cứu thảm họa đã có đủ tư liệu để tin rằng lòng tốt, sự bình đẳng, hợp tác và cả khả năng hồi phục… hóa ra là đặc trưng của loài người trong bất cứ thảm họa nào. Nhiều giả định về hành vi xấu xí của con người đã bị bác bỏ bởi chính những quan sát thực tế về cách con người hành xử.
Năm 1975, 11 năm sau thảm họa động đất Alaska, 2 nhà khoa học Disaster Research Center là Russell Dynes and Enrico Quarantelli lý giải về lòng tốt kỳ lạ của con người. Trong điều kiện bình thường, con người thường thấy mình đơn độc, nỗi đau và sự tổn thương cô lập chúng ta hoặc thậm chí khiến chúng ta phẫn nộ với người khác. Thế nhưng, một thảm họa lại ảnh hưởng mọi người và đưa chúng ta khỏi những vấn đề trần tục về mối lo hàng ngày.
Khi “nguy hiểm, mất mát và đau khổ trở thành hiện tượng phổ biến, mọi sự phân biệt được cởi bỏ, con người đối xử với nhau người với người”, các nhà khoa học viết.
Trong thảm họa, con người đã tạm quên giá dầu, giá vàng, và những cuộc chiến quyền thế khác. Họ đang cùng nhau quay trở lại với điều cơ bản, bỏng rát và khắc nghiệt nhất: Cuộc chiến sinh tồn.
Bài viết lược dịch từ NYT