39 người Việt đã chết, hàng nghìn người vẫn vượt biên, giấc mộng đổi đời vụt tắt như những que diêm

Hàng nghìn người Việt bị buôn lậu đến Anh mỗi năm trên một hành trình kinh hoàng. Và thảm kịch chỉ mới bắt đầu.

Những người nhập cư lậu Việt Nam gọi đây là tuyến đường “CO2”: Chuyến đi thiếu dưỡng khí, hầu như không có Oxy để thở, vượt qua những kênh đào ở Anh trong container hoặc thùng xe chất đống hàng hóa, pallet. Chặng cuối của chuyến đi 6.000 dặm này là cánh cửa đưa những người khắp châu Á nhập cư lậu vào “thiên đường” châu Âu.

Những chiếc xe tải ở cảng Holyhead vào tháng 10. Đâu đó trong những chuyến xe ở đây chở hàng chục người nhập cư lậu vào Anh. Ảnh: Andrew Testa – NYT

Chuyến đi 6.000 dặm, không ánh sáng, không oxy, không biết ngày kết thúc

So với tuyến “VIP”, với dịch vụ được ở khách sạn, ngồi ở cabin xe tải, chuyến đi trong chiếc container ngột ngạt là rất tàn khốc. Những người Việt trong những cỗ “quan tài” di chuyển vào Anh, được gọi là “Box people”, như truyền nhân của “boat people”, vẫn được biết đến với tên gọi “thuyền nhân” – những người vượt biên khỏi đất nước sau chiến tranh vào năm 1975.

Người di cư Việt Nam thường phải chờ đợi hàng tháng trời trong các trại tập trung ở miền bắc nước Pháp trước khi lẻn vào những chiếc xe tải, container di chuyển đến Anh. Snakeheads là một kẻ buôn người khét tiếng, thường đánh đập đàn ông và cưỡng hiếp phụ nữ. Thông tin trên được luật sư, nhóm viên trợ và chính những người di cư kể lại với New York Times (NYT).

Người nhập cư lậu cuộn mình chịu đựng hàng giờ trong container lạnh cóng để không bị phát hiện bởi thiết bị tầm nhiệt. Hành trình đó đã khiến 39 người chết, vào tuần trước, trong một xe tải đông lạnh ở Essex, miền đông nam nước Anh. Cảnh sát công bố họ đều là người Việt Nam.

Những người Việt vẫn đến đây, với ước tính khoảng 18.000 người/năm. Họ đã trả tiền cho những kẻ buôn lậu để có hành trình đến châu u, với mức giá 8.000-40.000 bảng, tương đương 10.000-50.000 USD.

Người nhập cư Việt Nam hầu hết đến từ Hà Tĩnh, Nghệ An, hai tỉnh nghèo ở miền bắc trung bộ. Họ nhắm mắt đưa chân, ly hương để đến Anh bất chấp những rủi ro biết trước. Khi chứng kiến hàng xóm bất ngờ xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm các vật dụng đắt tiền, có cả xe hơi, họ khao khát được đổi đời như vậy. Và họ chấp nhận ra đi, dù cái giá phải trả đắt thế nào.

Mọi người an ủi bà Nguyễn Thị Huân, 55 tuổi, mẹ của Nguyễn Đình Lương – người được cho là 1 trong số 39 nạn nhân của chuyến xe chết chóc. Ảnh: Minzayar Oo – NYT.

Một khi gia đình và bạn bè gom góp đủ tiền, cuộc phiêu lưu sẽ bắt đầu với điểm đến đầu tiên là Trung Quốc, để làm giả các giấy tờ.

Từ Trung Quốc đến Nga rồi Tây Âu, đoạn đường kinh khủng nhất là băng qua rừng Belarus để đến biên giới Ba Lan. Trong cuộc khảo sát năm 2017 của Pháp về người di cư Việt Nam, một người đàn ông tên Anh, 24 tuổi, đã nói với những nhà nghiên cứu rằng anh ta và 5 người đàn ông khác đi theo một kẻ buôn người, bị bắt nhiều lần ở Belarus và phải quay về biên giới Nga để tìm cơ hội thử lại. Cuối cùng họ đã nhập cư lậu thành công nhờ một chiếc xe tải từ phía Ba Lan.

“Chúng tôi rất lạnh”, cuộc điều tra dẫn lời người đàn ông tên Anh. “Chúng tôi ăn bất cứ thứ gì có thể trong 2 ngày đó. Chúng tôi uống nước từ tuyết tan ra”.

Ở cách thức khác, người nhập cư lậu sử dụng giấy tờ giả và tính toán đường đi nước bước kỹ lưỡng đến từng phút. Theo ECPAT – tổ chức chống buôn lậu trẻ em, những kẻ buôn người sắp xếp để những người nhập cư đến quầy làm thủ tục ở sân bay chỉ 10 phút trước khi đóng cửa. Như vậy các nhân viên sẽ không đủ thời gian để kiểm tra kỹ giấy tờ.

Phần lớn những kẻ buôn người đưa “khách hàng” đến Pháp, Hà Lan, nơi các băng đảng thường được biết đến như là Kurdish và Albanian, hoặc gần đây là khu vực mới nổi lên như Ireland và Bắc Ireland là mắc xích cuối cùng để hoàn thành quá trình đưa người nhập lậu vào châu u.

Sau hàng loạt những khốn cùng trong một tháng hay hàng năm trời trước đó, người nhập cư đến Anh và tiếp tục bị kiểm soát bởi những băng đảng buôn người có tổ chức, hoặc sống dưới sự bóc lột của ông chủ tiệm nail hay những nhà máy cần sa tại Anh.

Chuyến ly hương có thể kéo dài vài tháng hoặc nhiều năm. Nguyen Dinh Luong, 20 tuổi, một trong những người di cư được cho là đã chết vào tuần trước, muốn đến Pháp để tìm việc và tìm cách hỗ trợ cho gia đình 7 người của anh. Tuy nhiên, cha anh cho biết khi đến Nga, visa du lịch quá hạn bị phát hiện và anh quản thúc tại nhà, hạn chế đi lại trong 6 tháng. Sau đó, anh di chuyển đến Ukraine và Pháp, nơi anh tìm được công việc bồi bàn trước khi quyết định sang Anh để làm việc cho một tiệm nail.

Một tiệm nal của người Việt tại Anh. Andrew Testa – NYT

Chuyến đi thường bị gián đoạn khi người di cư bị bắt hoặc hết tiền. Một vài trong số họ bị buộc phải làm việc trên đường đi, trong các xưởng may ở Nga hoặc trong các nhà hàng trên khắp châu Âu. Một số phụ nữ bán dâm, các nhà nghiên cứu nói.

Những kẻ buôn người thường giữ “khách hàng” trong bóng tối, bưng bít thông tin như một cách để kiểm soát họ. Trong một trường hợp năm 2017, 16 người Việt bị bắt tại Odessa, Ukraine trong khi họ nghĩ rằng mình đang ở Pháp.

Nước Anh, nơi xảy ra Brexit – cuộc thoát ly của nước Anh khỏi khối EU để ngăn dòng người nhập cư từ Đông Âu – là một nơi khát nhân công giá rẻ. Ở đây, người lao động dù nhận mức lương rẻ mạt thì vẫn cao hơn gấp 5 lần số tiền họ có thể kiếm được tại quê nhà. Và họ cũng không bị kiểm tra danh tính khắc nghiệt như những quốc gia châu u khác.

“Tôi luôn khuyên họ hãy ở nhà đi”, Cha Simon Thang Duc Nguyen, một linh mục gốc Việt tại Anh nói với NYT, “dù bạn nghèo nhưng bạn có cuộc sống. Ở đây, bạn có tiền nhưng bạn đánh mất cuộc đời rồi”.

Sau hành trình 6.000 dặm khốc liệt, đôi khi tất cả điều người nhập cư có được là sự bẽ bàng. Sulaiha Ali, một luật sư bảo vệ nhân quyền, cho biết những người di cư được hứa hẹn làm việc hợp pháp trong những nhà hàng hoặc công trường xây dựng. Tuy nhiên sự thật là họ phải làm việc như “một người làm vườn”. Mà khu vườn ấy được đặt trong ngôi nhà, ở đó, người ta trồng cần sa.

Những người Việt trồng cần sa, nuôi giấc mơ đổi đời và… mất tất cả

“Nghiên cứu của tôi chỉ ra những người đến đây chấp nhận rủi ro cao để làm việc bất hợp pháp và kiếm số tiền lớn nhờ buôn bán cần sa”, Tamsin Barber, giảng viên Oxford Brookes University nói với NYT.

Họ bị nhốt trong nhà nhiều ngày liền, với 15 người trong một căn phòng, những nhân công này đối mặt với nguy cơ hỏa hoạn do hệ thống dây diện lộn xộn và sức khỏe bị ảnh hưởng từ các hóa chất độc hại.

Khi cảnh sát đột kích vào những nơi có người nhập cư làm việc, họ có thể bỏ qua các yếu tố nạn nhân bị cưỡng bức hay vấn đề buôn người. Thay vào đó, những người nhập cư sẽ bị trục xuất.

Nguy cơ bị trục xuất đó khiến người nhập cư càng ngoan ngoãn để mình bị kiểm soát. Bọn buôn người sẽ tiêm vào tiềm thức nạn nhân rằng, họ sẽ bị trục xuất hoặc bị cầm tù. Cùng với một số yếu tố khác, những nạn nhân sẽ không thể thoát khỏi sự kiểm soát của bọn buôn người.

“Khi những người di cư không nghe lời băng đảng buôn người, hậu quả có thể rất khốc liệt”, NYT viết. “Họ không thể để cảnh sát phát hiện, vì thế họ phải giữ kỷ luật. Nếu không tuân lời, bạn sẽ bị đánh đập, còn phụ nữ bị lạm dụng tình dục”, Cha Simon nói.

Khi “giấc mơ Anh” tan vỡ, những người nhập cư rơi vào tình trạng bơ vơ, không thể tìm kiếm sự giúp đỡ chính thống tại Anh lẫn sự bảo hộ của Việt Nam. Họ sống trong sự kìm kẹp của bọn buôn người và những ông chủ, bà chủ tại Anh.

Người Việt đang gặp nhiều rủi ro, mất mát trong những chuyến buôn người đến Anh. Chính quyền Anh cho biết, số lượng người nhập cư bất hợp pháp đã tăng gấp 5 lần so với 2012.

Những người di cư già ở Anh, nhiều trong số đó ly hương sau chiến tranh VN có cách biệt văn hóa khá lớn với lớp người mới đến. Tuy nhiên, họ đã trở thành những người hỗ trợ đồng hương, nhất là trong thảm kịch tuần trước.

Mục sư Simon Thang Duc Nguyen. Ảnh: Andrew Testa – NYT

Cha Simon, người rời khỏi Việt Nam từ năm 1984, nói rằng ông đã nhận được cuộc gọi từ những gia đình tại Việt Nam có người mất tích để nhờ xác minh xem con cái của họ có ở trong chuyến xe chết chóc hay không.

“Những người cha, người mẹ gọi cho tôi trong nước mắt. Tôi không thể cầm lòng được. Bạn phải vay rất nhiều tiền cho cuộc hành trình này. Bạn cũng hy vọng con cái mình thành công để có thể trả nợ. Và bây giờ là tuyệt vọng, trắng tay”, cha Simon nói.

“Họ bị bắt cũng được, ở tù cũng được, miễn họ còn sống là được. Nhưng bây giờ, họ mất cả hai, mất hy vọng và mất mạng. Không còn gì cả”, ông nói.

Bài viết được chuyển ngữ từ The New York Times, tác giả Benjamin Mueller.

Gửi bình luận

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.