Apple, Samsung và cơn ác mộng của Huawei trên đất Mỹ

Người Mỹ ngày càng không có nhu cầu nâng cấp điện thoại mới. Họ hững hờ với những mẫu điện thoại mới và có quá ít sự lựa chọn bởi sự độc quyền ngay trên nước Mỹ.

Tháng trước, Verizon và AT&T đã chính thức xác nhận một điều mà chúng ta có thể đã mơ hồ nhận ra trước đây. Đó là người Mỹ không còn nâng cấp smartphone mới nhiều nữa.

Trong thực tế, doanh số của hai nhà mạng trên đã chạm mức thấp kỷ lục trong lịch sử, bởi hầu như người dùng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới không mua thiết bị mới. Tuy nhiên, điều này không chỉ diễn ra ở Mỹ mà đang dần trở thành xu hướng toàn cầu vì thị trường smartphone đang dần tiến đến độ bão hoà ở nhiều quốc gia phát triển. Và tiêu biểu nhất lúc này chính là thị trường Mỹ.

Điều này phần nào lý giải được những nước đang phát triển như Việt Nam với tỷ lệ người dùng smartphone tăng đều mỗi năm, vẫn còn nhiều dư địa phát triển trở thành mỏ vàng cho các nhà sản xuất điện thoại tên tuổi.

Apple, Samsung và thế độc quyền lưỡng cực

“Nếu bạn yêu cầu tôi đặt tên cho thị trường điện thoại 2019, tôi sẽ chọn chiếc điện thoại thú vị nhất: Huawei P30 Pro. Thiết bị có loạt camera kỳ lạ và khả năng chụp ảnh thiếu sáng tốt nhất trong lịch sử smartphone. Tiếp theo, OnePlus 7 Pro với màn hình 90Hz tuyệt đẹp”, Vlad Savov – cây bút công nghệ kỳ cựu của The Verge bình luận.

Tuy nhiên, Vlad Savov cũng tiết lộ lý do những mẫu điện thoại này không có “đất” sống tại Mỹ. Đó là chúng không có sẵn trên AT&T hay Verizon. Trong đó, Huawei thậm chí còn bị Chính phủ Mỹ cấm cửa còn OnePlus chỉ đạt được một thoả thuận khiêm tốn với T-Mobile – một chiếc cửa quá hẹp để làm được điều gì đó.

Một người mua điện thoại điển hình ở Mỹ chỉ có hai lựa chọn: Apple hoặc Samsung. Lướt qua cửa hàng trực tuyến của cả bốn nhà mạng tại Mỹ gồm AT&T, Verizon, T-Mobile và Sprint, thật hiếm hoi để thấy sự xuất hiện của thương hiệu thứ ba. Nếu kiên nhẫn hơn, kéo đến cuối trang web, người dùng có thể Red Hydrogen One – một hãng điện thoại vô danh nhưng là hàng Mỹ nên được cho vào danh sách.

Các thương hiệu Trung Quốc như Huawei và Xiaomi có thể làm mưa làm gió ở những thị trường khác trên toàn cầu. Thế nhưng, tại Mỹ, họ gần như vắng bóng. Để nhà sản xuất Trung Quốc bán được thiết bị tại Mỹ, họ buộc phải đi cửa hậu. Nghĩa là, họ phải đặt một thương hiệu quen thuộc lên sản phẩm của mình, tương tự TCL đang làm với BlackBerry và Palm. “Dâu đen” đã nhượng quyền thương hiệu cho TCL vào 12/2016. Mặc dù chỉ chiếm 1% thị phần smartphone toàn cầu, BlackBerry vẫn được yêu thích tại Mỹ và châu Âu nhờ khả năng nhập liệu dễ dàng.

Kể cả OnePlus được điều hành bởi gã khổng lồ Trung Quốc BBK Electronics, cũng là công ty mẹ của Oppo và Vivo vẫn không tránh khỏi sự ruồng rẫy của thị trường Mỹ. Cuộc chiến thương mại được diễn ra ngấm ngầm từ lâu, tại các cửa hàng bán lẻ điện thoại tại Mỹ. Ở đây, người dùng bị thu hẹp sự lựa chọn, chủ yếu là Apple hoặc các sản phẩm từ quốc gia đồng minh như Hàn Quốc.

Điều này đã tạo nên một thế độc quyền lưỡng cực tại thị trường này, nơi mà Apple và Samsung hầu như không có đối thủ nào khác.

Apple, Samsung và sự giảm ham muốn của người dùng Mỹ

Apple và Samsung được định hình như kỳ phùng địch thủ, quyết thua đủ cùng nhau để chinh phục người dùng. Thế nhưng, thực tế tại Mỹ cho thấy, hai gã khổng lồ này có vẻ đang khá yên vị với thế độc quyền của mình và sự cạnh tranh không thực sự khốc liệt. Những tính năng, kiểu dáng lặp đi lặp lại và những nâng cấp không thực sự thuyết phục.

“Sự thay đổi chậm chạp, dần dà trên các thiết bị mới ra mắt không đủ tuyệt vời và kích thích người dùng”, Matt Ellis – CFO Verizon nói với The Verge.

Những yếu tố hấp dẫn trên Galaxy S10: Màn hình đẹp với viền benzel mỏng, camera tốt, dung lượng pin lớn, sạc không dây, chống nước, hiệu năng mạnh mẽ và jack tai nghe 3.5mm.

Một người sở hữu Galaxy S7 3 năm trước hoàn toàn có thể muốn sở hữu chiếc S10 nhưng lại không thật sự cần mua nó. Nó giống như bạn đang có một laptop chạy Windows và thấy một thiết bị mới ra có màn hình đẹp hơn, mỏng hơn, hiệu năng nhanh hơn. Nhưng sự thay đổi đó vẫn quá chậm để thúc đẩy bạn bỏ tiền ra mua chiếc máy mới khi thiết bị cũ vẫn dùng tốt.

Sau khi tung ra iPhone X vào năm 2017, Apple đã tạo ra thế hệ iPhone Xs và Xs Max y hệt người tiền nhiệm nhưng lớn hơn. Chiếc iPhone X tạo nên một làn sóng nâng cấp vào thời điểm ra mắt và bị khai tử chỉ một năm sau đó. Thế nhưng, đây vẫn là mẫu iPhone được săn đón nhất hiện nay, bởi nó rẻ hơn thế hệ mới khá nhiều và gần như không thua kém gì về tính năng, hiệu năng. Điều này từng xảy ra với iPhone 5 và iPhone 5S hay iPhone 6 và iPhone 6S.

Không giống như vậy, Huawei đẩy nhanh chu kỳ nâng cấp các thế hệ điện thoại. Trong khi đó, Apple và Samsung dường như đang chỉ đua với nhau, bắt kịp nhau và yên tâm chia sẻ thị phần tại Mỹ.

Việc Huawei theo đuổi các tính năng mới đã hấp dẫn người mua tại châu Âu lẫn thế giới. “Nhà sản xuất này đã tăng trưởng 50% đơn hàng trong quý đầu tiên 2019, trong khi đó Samsung và Apple đều sụt giảm”, theo The Verge. Bất chấp việc gặp khó khăn tại thị trường Mỹ, Huawei là nhà sản xuất điện thoại lớn thứ hai thế giới, vượt qua Apple.

Huawei từng chiếm ngôi á quân của Apple lần đầu vào năm 2017, và trả lại vị trí này vào năm 2018. Đến 2019, hãng điện thoại Trung Quốc chiếm lấy vị trí thứ hai một cách vững vàng hơn, với 59,1 triệu lô hàng trong quý 1, tăng từ 39,3 triệu lô cùng kỳ năm 2018, theo ghi nhận IDC và Strategy Analytics.

Nền kinh tế mới của những dòng siêu cao cấp

Có một bí mật đó là các nhà mạng di động không công bố con số doanh thu trung bình trên mỗi người dùng. Các nhà mạng đẩy mạnh các dịch vụ xem video, nghe nhạc cùng kế hoạch thanh toán dài hạn để người dùng dễ dàng mua các điện thoại 1.000 USD mà Apple, Samsung hay Google bán ra.

Chiến lược này hiệu quả đến mức đáng ngạc nhiên, bởi người dùng chỉ phải trả một khoản nhỏ mỗi tháng để được tận hưởng sự cao cấp, thẩm mỹ, của những thiết bị được cung cấp độc quyền đó. Tuy nhiên có các vấn đề dài hạn nảy sinh khi chiếc điện thoại ngày càng đắt hơn.

Nếu một người dùng phải chi trả số tiền gấp đôi để mua điện thoại cao cấp, một cách tự nhiên, họ cũng giữ cho điện thoại mới mẻ, dùng tốt trong khoảng thời gian dài gấp đôi. Các nhà sản xuất điện thoại đã gắn cho những thiết bị đầu bảng những mức giá cao, khiến không phải ai cũng có thể mua được. Galaxy S10e là phiên bản rẻ nhất của dòng S10 có giá 749 USD. Ngân sách điện thoại của người Mỹ tăng lên do giá của chúng tăng chứ không phải vì họ có nhu cầu cao hơn.

Làm hài lòng khách hàng hiện tại, không cung cấp mức giá lẫn tính năng đủ thuyết phục để người dùng nâng cấp và sự thiếu vắng gần như hoàn toàn sự cạnh tranh từ Trung Quốc đã làm suy yếu sức sống của thị trường Mỹ.

Smartphone vẫn thú vị, nhiều tính năng mới lạ, nhưng có lẽ chỉ bên ngoài biên giới nền kinh tế mạnh nhất thế giới, người ta mới tìm thấy một thứ gì đó hấp dẫn với giá cả phải chăng.

Gửi bình luận

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.