Cuộc chiến siêu ứng dụng: Đông Nam Á “học tập” Trung Quốc chứ không phải Silicon Valley

Grab, Go-Jek, và những siêu ứng dụng tương lai tại Việt Nam, Singapore, Indonesia… đều lấy cảm hứng từ Trung Quốc, thay vì các công ty công nghệ Mỹ.

Có một sự đổi ngôi trong lĩnh vực công nghệ thế giới, khi Mỹ không còn là tượng đài duy nhất. Trung Quốc trong hơn 10 năm gần đây đã có một bước tiến vượt trội và trở thành niềm cảm hứng cho những quốc gia Đông Nam Á.

Trung Quốc – từ kẻ cắp trở nên siêu cường

Habitat là một concept siêu thị bán lẻ ứng dụng công nghệ, được sáng lập bởi công ty startup bách hoá trực tuyến Honestbee tại Singapore. Khuôn viên của Habitat rộng 5.600 m2, toạ lạc tại quận Pasir Panjang. Cửa hàng trữ nhiều hàng nhập khẩu cũng như những mặt hàng tươi sẵn sàng phục vụ.

Concept này được ra mắt như một cách thử nghiệm mô hình siêu thị tương lai sẽ trông như thế nào, là phép thử cho các chiến lược tiếp thị trực tuyến và ngoại tuyến của các nhà bán lẻ. Habitat ra đời vào tháng 11/2018 và khá giống mô hình của chuỗi siêu thị Hema của Trung Quốc, được vận hành bởi tập đoàn Alibaba. Habitat là một biểu hiện tiêu biểu cho xu hướng học tập Trung Quốc của các startup Đông Nam Á trong lĩnh vực đổi mới công nghệ và internetinternet, ứng dụng vào mô hình kinh doanh.

Điểm tương đồng giữa Habitat và Hema khá rõ ràng: Khách chọn hàng hoá, bỏ vào giỏ, check-out bằng cách đưa hàng vào hệ thống tính tiền và đóng gói hoàn toàn tự động.

Những túi đồ sẽ được tự động đóng gói, đưa lên băng chuyền đưa đến khách hàng. Ảnh: Handout.

Pauline Png, Phó chủ tịch và Giám đốc điều hành siêu thị Habitat nói rằng: “Hema đặt nền tảng cho một mô hình bán lẻ mới, tuy nhiên, chúng tôi đang tự lực phát triển Habitat theo cách của mình”.

“Đây là không gian offline, có sự tương tác của con người, được học hỏi, truyền cảm hứng, cả năm giác quan bị thu hút. Đồng thời, khu vực ăn uống cũng được tích hợp vào khu mua sắm để tăng trải nghiệm cho khách hàng. Hema hiện đang tách riêng các phần này cũng như vẫn có nhân viên thu ngân thay vì ứng dụng thanh toán di động”, vị nữ giám đốc của Habitat phân tích sự khác biệt của hai mô hình siêu thị này.

Pauline Png, Phó chủ tịch và Giám đốc điều hành siêu thị Habitat. Ảnh: Handout.

Việc hệ thống của Singapore vẫn thiết lập sự xuất hiện của nhân viên thay vì tự động hoàn toàn nhằm “tăng trải nghiệm đa giác quan cho khách hàng”, tạo ra sự khác biệt lẫn kết hợp giữa mua sắm trực tuyến và hình thức siêu thị truyền thống. Trong khi đó, Alibaba gọi tên mô hình của Hema là “New Reail” – bán lẻ kiểu mới.

Khung cảnh cửa hàng tại Habitat. Ảnh: Handout.

Các công ty startup Đông Nam Á có xu hướng áp dụng các mô hình kinh doanh đã được chứng minh hiệu quả tại Trung Quốc. Ví dụ, siêu ứng dụng chat WeChat của Tencent Holding hay sàn thương mại điện tử Taobao của gã khổng lồ Alibaba được học tập tích cực tại thị trường này, South China Morning Post (SCMP) bình luận.

Những chiếc xe hàng sẽ được đưa vào sau cánh cửa này, bắt đầu quá trình tính tiền, đóng gói và trả hàng cho khách. Ảnh: Handout.

Điều này cũng đánh dấu một kỷ nguyên phát triển mới của công ty công nghệ Trung Quốc. Từ một quốc gia chuyên sao chép các công ty Mỹ trong vài thập kỷ trước, Trung Quốc đã trở thành cường quốc mới trong lĩnh vực công nghệ.

Các mô hình kinh doanh trên thiết bị di động tiên phong tại Trung Quốc, sau đó, ngày càng phổ biến tại các quốc gia Đông Nam Á, Hian Goh, co-founder Openspace Ventures tại Singapore nói với SCMP. Cả hai khu vực này đều có tỷ lệ người dùng di động tăng mạnh. Với số lượng người dùng trực tuyến bằng di động. Ngược lại, ở các nước phương Tây lại đang có xu hương sử dụng máy tính nhiều hơn.

“Công ty công nghệ Đông Nam Á cảm thấy họ có khả năng học hỏi mô hình kinh doanh Trung Quốc bởi vì đây là nền kinh tế di động trực tuyến hàng đầu”, Goh nói.

Các nhà bình luận như Chua Joo Hock, đối tác quản lý của Vertex Ventures – một công ty đầu tư mạo hiểm tại Singapore cho rằng startup Đông Nam Á học hỏi Trung Quốc là điều hiển nhiên. Bởi trong khi phần còn lại của thế giới còn đang trên đường chuyển đổi, cố gắng ứng dụng công nghệ vào tiêu dùng thì Trung Quốc đã cán đích.

Đông Nam Á liệu có thể vượt qua Trung Quốc?

“Rõ ràng có một sự sao chép, tuy nhiên, sự triển khai và ứng dụng tại từng thị trường là khác nhau. Các startup đã học hỏi những điều thành công từ Trung Quốc nhưng đã bản địa hoá lại mô hình”, doanh nhân Chua Joo Hock cho biết thêm.

Ví dụ, Habitat được xây dựng trong một khu công nghệ cao, khá khó tiếp cận đối với người dùng thông thường. Bởi “công ty mẹ” Honestbee cần một không gian cần thiết để thực hiện thử nghiệm những tầm nhìn của mình. Trong khi đó, Hema vốn đã hoàn thiện mô hình được đặt trong khu vực trung tâm sầm uất nhắm đón được nhiều lượt khách đến mua sắm.

Chắc chắn, không chỉ những công ty ở Châu Á muốn phá vỡ những truyền thống của bán lẻ trong tương lai. Tại Mỹ, “quê hương” của những trình duyệt internet, dịch vụ nhắn tin, thương mại điện tử, hay social media, một tiến trình thay đổi cũng diễn ra không kém sôi động. Năm 2016, Amazon giới thiệu Amazon Go cho phép người dùng lấy bất cứ món hàng nào họ muốn. Sau đó, hệ thống camera và cảm biến sẽ tự động nhận diện những món hàng được chọn và tính tiền vào thẻ cho khách. Tuy nhiên, động lực thực sự thúc đẩy sự chuyển mình của Đông Nam Á lại đến từ Trung Quốc.

Alibaba với sản phẩm Alipay cho phép thanh toán và ký quỹ để gia tăng niềm tin cho giữa người mua và người bán trên nền tảng thương mại điện tử Taobao. Số tiền thanh toán của người mua trả qua Alipay sẽ được ký gửi ở bên thứ ba, cho đến khi hàng được chuyển thành công đến người mua.

Mô hình này của Alipay nhanh chóng nhân rộng khắp mọi nền tảng thương mại điện tử ở Trung Quốc, góp phần thúc đẩy niềm tin trong mua sắm trực tuyến. Hình thức tỏ ra rất hiệu quả ở một xã hội vốn có độ tin cậy thấp, như Trung Quốc.

Carousell – một nền tảng bán hàng trực tuyến của Singapore đã ra mắt CarouPay với hình thức ký quỹ tương tự Alipay. Tuy nhiên, CarouPay không sử dụng nền tảng do chính mình xây dựng mà sử dụng Stripe, một hệ thống của Mỹ.

Quek Siu Rui, co-founder và CEO của Carousell nói với SCMP, mỗi thị trường có thói quen thanh toán khác nhau, không thể dùng một phương thức áp dụng cho cả 7 thị trường mà công ty này có mặt.

“Ở Indonesia, thẻ tín dụng hầu như không được sử dụng, bạn cần chấp nhận hình thức ví điện tử và chuyển khoản ngân hàng”, Quek đưa ra ví dụ.

Các công ty công nghệ Đông Nam Á trong các lĩnh vực khác nhau, như Grab hay Go-Jek cũng đã lấy cảm hứng từ Trung Quốc khi không chỉ phát triển dịch vụ gọi xe. Lần lượt, hai hãng gọi xe khổng lồ của Trung Quốc Didi Chuxing và Meituan-Dianping cũng là cổ đông của Grab và Go-Jek.

Những startup tại Đông Nam Á được đầu tư nhiều nhất. Ảnh: SCMP.

Go-Jek của Indonesia được thành lập để cung cấp dịch vụ tại điạ phương như: thực phẩm, tạp hoá và bưu kiện. Thông qua ứng dụng Go-Jek, người dùng có thể mua sắm online, được tài xế giao hàng tận nhà, hoặc cũng có thể đặt vé xem phim, dịch vụ spa…

Kể từ tháng 7/2018, Grab tại Singapore cũng đã tích hợp dịch vụ giao thức ăn, hàng hoá vào ứng dụng của mình, đặt mục tiêu trở thành một siêu ứng dụng với trải nghiệm liền mạch, và được sử dụng hàng ngày.

Tại Việt Nam, cuộc chiến siêu ứng dụng thuộc về 4 cái tên nổi bật nhất: Grab, Go-Việt, NOW và Zalo.

Cái gọi là mô hình “siêu ứng dụng” nghĩa là người dùng có thể truy cập rất nhiều dịch vụ trong một ứng dụng chính. Mô hình này vốn được tiên phong bởi WeChat của Tencent. Từ một ứng dụng tin nhắn đơn giản ra đời nằm 2011, công ty đã phát triển sản phẩm trở thành ứng dụng không thể thiếu của người dân Trung Quốc.

WeChat cung cấp ví điện tử, dịch vụ nhắn tin, trở thành một “cửa ngõ” để người dùng truy cập game hấp dẫn, hay là “chìa khoá” thuê xe đạp công cộng. Người dùng dù với nhu cầu gì cũng khó thoát khỏi ứng dụng WeChat.

>> Giải mã sự thành công không đối thủ của WeChat

Singapore trở thành trung tâm khởi nghiệp của khu vực nhờ sợ hỗ trợ của Chính phủ, cơ sở hạ tầng vững chắc, dòng vốn đầu tư mạo hiểm dồi dào, và cũng là nơi hội tụ “thiên thời – địa lợi – nhân hoà” để học hỏi những tinh hoa của cả Silicon Valley và Trung Quốc.

Năm 2018, GDP của 10 nước Asean khoảng 2,8 nghìn tỷ USD, theo số liệu của UOB Group, tương đương với GDP Trung Quốc vào năm 2006. Đó thời điểm ngay trước khi quốc gia đông dân nhất thế giới này bước vào thập kỷ tăng trưởng và đổi mới đột phá.

“Bây giờ, chúng ta có công nghệ, nền tảng kết nối di động để biến đổi thị trường tương tự như Trung Quốc 10 năm trước. Và có lẽ, chúng ta chỉ mất 5 năm để đi trọn vẹn con đường mà nền kinh tế thứ hai thế giới phải mất đến 10 năm”, Hian Goh, co-founder Openspace Ventures cho biết.

Gửi bình luận

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.