15 năm lĩnh vực đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam: Thị trường năng động hơn bao giờ hết

Việt Nam nằm trong danh sách những thị trường tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững, bao gồm yếu tố xã hội và dân số.

Vốn đầu tư mạo hiểm – Venture Capital (VC) là khoản tài chính mà các nhà đầu tư cung cấp cho các công ty khởi nghiệp và các doanh nghiệp nhỏ có tiềm năng phát triển. Vốn này phần lớn đến từ những doanh nhân khá giả, ngân hàng đầu tư và bất kỳ tổ chức tài chính nào. Tuy nhiên, không phải tất cả các khoản đầu tư đều xuất hiện dưới dạng tiền tệ, mà có thể là sự tài trợ về kỹ thuật, chuyên môn, hoặc khả năng thẩm định.

startup tang khanh

Kể từ khi nền kinh tế mở cửa trở lại vào đầu những năm 1990, cùng với những chương trình cải cách của Chính phủ, kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định. Bất chấp những giai đoạn kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng, Diễn đàn kinh tế Thế giới – World Economic Forum (WEF) vẫn gọi Việt Nam là một “phép màu kinh tế”.

Sự tăng trưởng ấn tượng này nhanh chóng chuyển đổi nền kinh tế và xã hội theo chiều hướng phát triển bền vững. Theo Chỉ số Phát triển Toàn diện – Inclusive Development Index (IDI), Việt Nam có “hồ sơ” tốt nhất trong việc tăng trưởng, xã hội và dân số phát triển bền vững, kể cả những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Chính phủ cũng đã đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Thông qua những cải tiến đáng kể trong giáo dục, đặc biệt là cấp tiểu học, Việt Nam đã cho ra đời nhiều thế hệ kỹ sư IT, kỹ sư phần mềm, đủ trình độ làm việc cho các tập đoàn danh tiếng nhất như Intel, Bosch, Samsung. Đồng thời, đội ngũ nhân sự này cũng đóng góp vào việc phát triển công ty công nghệ của chính đất nước như: FPT, VNG, CMC…

Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng cũng cho thấy những hiệu quả khi đưa Việt Nam vào danh sách những quốc gia thân thiện với di động nhất Châu Á Thái Bình Dương, với 70% người dùng điện thoại (unique mobile users) trong tổng số 96 triệu dân, theo báo cáo của WeAreSocial.

startup vc viet nam tangkhanh
GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gấp 10 lần trong 30 năm qua (nguồn: Google, WorldBank). 

Những điều kiện này, kết hợp cùng nhau, đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho các startup. Theo một nghiên cứu của Dezan Shira & Associates – công ty dịch vụ đa ngành chuyên tư vấn pháp lý, thuế… cho các nhà đầu tư, từ 2010-2017, số lượng các startup được đầu tư đã tăng từ 10 lên thành con số 92, với 60% các dự án nhận được khoản đầu tư dưới 1 triệu USD.

Các nhà đầu tư trong nước cũng trở thành những VC thân thiện hơn. Trong 92 giao dịch vào năm 2017, các nhà đầu tư nước ngoài chiếm 28 giao dịch, và các nhà đầu tư trong nước chiếm đến 64 giao dịch.

Bài viết sẽ giải thích sự phát triển ngành công nghiệp đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam trong những năm qua, từ đó thấu hiểu sự hiện diện của những quỹ này tại Việt Nam về cách thức đầu tư, quy mô giao dịch và dự đoán tăng trưởng trong tương lai gần.

startup tang khanh 2

Những người khai mở thị trường

Theo định nghĩa, ngành công nghiệp Venture Capital tại Việt Nam đã phát triển từ năm 2014, với việc thành lập IDG Ventures Vietnam (IDGVV), được thành lập bởi Patrick McGovern – nhà sáng lập và chủ tịch International Data Group (IDG).

Từ 2004-2013, IDG Ventures Vietnam đầu tư 42 công ty, trải rộng trên nhiều ngành công nghiệp bao gồm công ty công nghệ lẫn phi công nghệ. Một số khoản đầu tư đáng chú ý của IDGVV bao gồm VNG (công ty kỳ lân về game và internet số 1 Việt Nam), Webtretho (Project Lana) – gần đây đã được đầu tư bởi Line Ventures, và Vietnamworks – được mua lại bởi En-Japan.

CyberAgent Ventures (CAV) – một công ty khác của Nhật Bản trong lĩnh vực này đã gia nhập thị trường Việt Nam từ 2008. Họ đã đầu tư 25 công ty bao gồm một số dịch vụ internet và di động tốt nhất tại Việt Nam. Ba trong số các khoản đầu tư có giá trị cao nhất bao gồm: Foody (đã được mua lại bởi SEA Group), TIKI (nền tảng thương mại điện tử “made in Vietnam” lớn nhất, đã được JD.com đầu tư) và Batdongsan.com (được đầu tư bởi PropertyGuru – nền tảng bất động sản lớn nhất châu Á).

Cuối cùng, không thể không kể đến DFJ VinaCapital – một liên doanh giữa VinaCapital (quỹ tư nhân lớn nhất Việt Nam) và Draper Fisher Jurvetson (DFJ) – công ty đầu tư mạo hiểm của Mỹ tập trung đầu tư vào giai đoạn đầu và tăng trưởng của startup.

Thành lập năm 2006, DFJ VinaCapital đã đầu tư gần 50 triệu USD vào một loạt các doanh nghiệp, với tên tuổi thành công nhất là Yeah1 Group (YEG) – một công ty niêm yết trên HOSE trị giá khoảng 400 triệu USD.

startup vc viet nam 2 tangkhanh
Bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam 2017 (Nguồn: Topica Founder Institute)

Năm 2017 – 2018 là thời điểm thú vị cho các nhà đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam. Đây là thời điểm ra đời Nghị định 38/2018/ND-CP trong đó nhằm khơi thông dòng vốn cho khởi nghiệp sáng tạo thông qua việc khuyến khích thành lập các công ty, quỹ đầu tư khởi nghiệp. Đây cũng là thời điểm ghi nhận sự thành công của một số quỹ hiện tại, cũng như sự xuất hiện các quỹ mới ở thị trường Việt Nam.

500 Startups Vietnam là một trong các quỹ thành công nhất hiện nay. Được thành lập vào 2016, với dự án 10 triệu USD tập trung vào Việt Nam, cuối cùng, họ đã hoàn thành gây quỹ vào giữa năm 2018, vượt mục tiêu ban đầu.

500 Startups Vietnam hiện có hơn 30 công ty trong danh mục đầu tư, bao gồm một loạt các ngành công nghiệp, chẳng hạnh như AdTech, E-commerce và Fintech. Thành công đầu tiên của họ là WifiChua đã được mua lại bởi Appota trong năm 2018.

Bên cạnh đó, những cái tên mới gia nhập cuộc chơi nhưng không hề bị đánh giá thấp. Vietnam Innovative Startups Accelerator (VIISA) – một quỹ tăng tốc và đầu tư vòng seed-stage trị giá 6 triệu USD được thành lập bởi FPT và Dragon Capital, đã ra mắt vào 9/2016, không chỉ cung cấp cho các công ty khởi nghiệp số vốn để phát triển trong giai đoạn đầu mà còn cung cấp kỹ năng và các bí quyết để gây quỹ thành công.

Sau hai năm hoạt động, VIISA đã đầu tư vào 23 công ty, đang kết nối với 1.500 khách hàng doanh nghiệp, phục vụ 15.000 người dùng hàng tháng (MAU), và hoạt động ở 5 quốc gia khác, theo thống kê của VIISA. Hiện đơn vị này vừa đầu tư vòng hạt giống cùng với những nhà đầu tư khác vào các công ty: WisePass, WeFit và Base.vn.

Trong năm 2018, VIISA đặt mục tiêu giúp các công ty thuộc danh mục đầu tư tăng thêm 5 triệu USD từ những nhà đầu tư bên ngoài, cũng như trở thành Accelerator (vườn ươm tăng tốc khởi nghiệp) số 1 tại Việt Nam.

Một cái tên mới trong lĩnh vực đó là: VinaCapital Ventures. Ra mắt vào 8/2018, VinaCapital Ventures có vẻ như sẽ đầu tư 100 triệu USD vào các công ty công nghệ Việt Nam, khởi đầu với cái tên: Logivan và FastGo.

Trong đó, Logivan cung cấp giải pháp xe tải B2B và mạng lưới logistics nhằm giải quyết những vấn đề nan giải trong ngành này. Và FastGo là ứng dụng gọi gọi xe của người Việt. Quỹ mới này cho thấy sự quan tâm của VinaCapital vào lĩnh công nghệ ở Việt Nam, bất chấp mối quan hệ tan rã giữa DFJ và VinaCapital.

Tương lai triển vọng

Đầu tư startup của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, đã đạt được đà tăng tốc nhanh chóng trong vài năm qua. Tuy nhiên, thách thức vẫn còn ở phía trước.

Trong số đó, những thách thức chính của startup tại Việt Nam là thiếu nhân tài, quỹ, quy mô, và các cải cách chậm chạp, theo Dezan Shira & Associates.

Việc tài trợ đặc biệt quan trọng vì các công ty khởi nghiệp trong nước vẫn cảm thấy mình gặp khó khăn trong việc tiếp cận nhà đầu tư và huy động vốn từ họ, đặc biệt là các quỹ nước ngoài.

May mắn thay, thị trường Việt Nam đã có những hứa hẹn về việc nguồn vốn sẽ dồi dào hơn cho startup và tăng cường đào tạo lực lượng lao động địa phương, nhằm cải thiện chất lượng ngang bằng với tiêu chuẩn của khu vực.

startup vc viet nam 3 tangkhanh
Các công ty thanh toán điện tử hàng đầu tại Việt Nam (nguồn: Vietnamnet)

VinGroup – nhà đầu tư bất động sản lớn nhất Việt Nam cũng đã thành lập VinTech – tấn công vào mảng công nghệ, tạo ra hai viện nghiên cứu về big data và ứng dụng công nghệ cao. Đó là chưa kể đến VinFast vừa ra mắt tại Paris Motor Show 2018 và đảm bảo thành công khoản tín dụng 950 triệu USD được dẫn đầu bởi Credit Suisse và HSBC.

Fintech là một ngành quan trọng thu hút đầu tư trong khu vực. Theo nghiên cứu từ Solidiance, thị trường fintech Việt Nam đạt 4,4 tỷ USD vào năm 2017 và sẽ đạt mốc 7,8 tỷ USD vào năm 2020.

Sự thay đổi này, theo phân tích của Solidiance, có thể đến từ sự thay đổi của chính phủ (thúc đẩy giao dịch không tiền mặt, thành lập Ban chỉ đạo về lĩnh vực Fintech thuộc Ngân hàng Nhà nước và cải thiện cơ sở hạ tầng di động, thông qua các dự án viễn thông lớn).

Đồng thời, nhu cầu tìm kiếm giải pháp từ Fintech ngày càng tăng từ các lĩnh vực tài chính cá nhân đến doanh nghiệp, với mức tăng trưởng lần lượt 31,2%, 35,9% vào năm 2025.

Cuối cùng, có rất nhiều lĩnh vực tiềm năng khác đòi hỏi sự đổi mới và tinh thần kinh doanh nghiêm túc để giải quyết. Ngành công nghệ B2B là một trường hợp như vậy.

Theo ông Trần Hữu Đức – Giám đốc FPT Ventures và là CEO của VIISA, sự phát triển của các ngành công nghệ B2B sắp diễn ra trên toàn thế giới, với những công ty như Salesforce, Atlassian, Palantir Technologies,… tạo nên một cuộc cách mạng công nghiệp tiếp theo trên toàn cầu.

Tuy nhiên, tại Việt Nam và Đông Nam Á, các công ty và dịch vụ B2B thường phải đối mặt với khó khăn từ hành vi khách hàng vốn gắn liền với phương pháp thủ công truyền thống. Do đó, các startup B2B này sẽ yêu cầu đầu tư lớn về cả vốn và chuyên môn từ các VC để hướng dẫn thị trường và phát triển với quy mô lớn, nhanh chóng.

Tóm lại, ngành công nghiệp đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam đã trải qua 15 năm phát triển. Chỉ từ một số tiền ít ỏi ban đầu, giờ đây, thị trường đón nhận những cái tên mới nhiều hơn bao giờ hết, tích cực đầu tư và nuôi dưỡng các công ty khởi nghiệp trên toàn quốc.

Mặc dù có những thách thức nhất định, tương lai vẫn còn tươi sáng và có nhiều triển vọng để tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

(Bài viết được Việt hóa từ bài gốc: https://e27.co/overview-vietnams-venture-capital-industry-20181022/ – tác giả Long “Leo” Pham).

1 bình luận

Gửi bình luận

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.