Đến khi nào, người ta mới thực sự chán mua iPhone như cách mà người ta vẫn đang chê bai chúng?
Chiếc iPhone mới đã ra mắt, và cho dù nó có đáng thất vọng đến thế nào, những thay đổi có ít ỏi và được cho là kém sáng tạo đến nhường nào, những cái tên được đặt nghe buồn cười và rối rắm ra sao, giá cả có hoang đường đến đâu, hàng chục triệu chiếc iPhone vẫn sẽ được bán ra và luôn bán được nhiều hơn năm trước.

11 năm trôi qua kể từ lần đầu tiên ra mắt, iPhone dần trở thành một sự mâu thuẫn khổng lồ của thời đại công nghệ số.
Một mặt, đặc biệt là sau khi tăng giá vào năm ngoái cho mẫu flagship, iPhone trở thành một món hàng xa xỉ khiến người ta phải tiết kiệm tiền để mua nó. Đầu tiên, người ta tranh nhau để trở thành một trong những người đầu tiên trên thế giới sở hữu chiếc iPhone mới nhất.
Sau đó, người ta tiếp tục căn cứ vào dung lượng, màu sắc, phiên bản hiếm có của chiếc iPhone, để khẳng định sự giàu có, đẳng cấp và vị thế xã hội của bản thân.
Khi đạt đến tầm ý nghĩa này, iPhone được mô tả tương tự như một thương hiệu thời trang, một thứ trang sức đắt tiền. Thế nhưng, iPhone khác Louis Vuitton hay Chanel ở chỗ nó là một thứ trang sức vừa đắt tiền lại vừa sở hữu công nghệ cao.
Một mặt khác, iPhone lại như một thiết bị cơ bản, được tiêu thụ hàng loạt. Hãy tưởng tượng, bạn dành dụm 1.000 USD (khoảng 23 triệu đồng) để mua một chiếc đồng hồ sang trọng. Có lẽ, bạn sẽ đeo nó hàng thập kỷ.
Vậy mà bằng cách đầy ma lực nào đó, iPhone lôi kéo hàng triệu người dùng mua những thiết bị ngàn đô của mình mỗi 2 – 3 năm/lần. Lúc này, cách iPhone khiến người ta chi tiền dễ dàng như khi mua một món hàng bình dân, đơn giản, như mua một đôi giày thể thao, vài chiếc balo cho cuộc sống hàng ngày.
iPhone luôn đắt tiền hơn mọi thiết bị tương đương của đối thủ. Cùng với slogan huyền thoại “Think Different” – Hãy suy nghĩ khác biệt – uy tín của Stve Jobs, những kỹ thuật độc đáo đã khiến chiếc iPhone thực sự trở thành một biểu tượng như hôm nay.
Khi smartphone ngày càng trở nên phổ biến và quan trọng trong đời sống hàng ngày, việc thiết bị hàng đầu của các hãng không ngừng tăng giá là một quy luật, một lẽ tất nhiên có thể hiểu được. Thế nhưng, Apple không chỉ đơn giản tuân theo quy luật này khi họ trở thành người nắm giữ cuộc chơi, dẫn dắt và tạo ra chuẩn mực mới.
Bất cứ khi nào, smartphone trở nên đắt đỏ hơn, iPhone chính là chiếc điện thoại đắt nhất. Bất cứ khi nào, điện thoại thông minh có những bước tiến đặc biệt, iPhone cũng là chiếc thay đổi đầu tiên.
Nhờ vào sự xa xỉ, đắt đỏ của iPhone, Samsung và những nhà sản xuất điện thoại khác hưởng lợi. Hàng thập kỷ trôi qua, iPhone chỉ tập trung ở phân khúc cao cấp, và hầu như không đoái hoài đến phân khúc smartphone tầm trung giá rẻ. Nhà táo nhường hẳn phần sân rất rộng này cho các thiết bị Android.
Samsung, Huawei, Xiaomi tăng trưởng mạnh về doanh số, trở thảnh những nhà cung cấp smartphone lớn nhất thế giới. Nhưng thật bất ngờ, doanh số bán ra iPhone ngày càng lớn hơn thay vì thu hẹp lại.
Sự đơn giản hóa mọi thao tác, trải nghiệm người dùng tốt kết hợp cùng một thương hiệu uy tín khiến nhiều người dùng chưa từng nghĩ đến việc sẽ phải thử dùng một chiếc smartphone hãng khác.
Điều này giải thích vì sao Apple có vẻ “lười biếng” cải tiến các mẫu iPhone của mình, khi cho ra đời các dòng “S”, với rất ít các tính năng mới và thiết kế thì lặp lại hoàn toàn thế hệ tiền nhiệm.
Bởi, đơn giản, người dùng mua iPhone bởi vì đó chính là iPhone, mà không cần lắm sự cải tiến nào thực sự rõ nét. Trong khi đó, Galaxy S9/S9 Plus hay LG G7 đều được giới thiệu là phiên bản nâng cấp mạnh mẽ so với thế hệ trước, và mang về doanh thu đáng thất vọng.
Đồng thời, Apple có một chiến lược bán hàng khá thông minh. Những chiếc iPhone có giá cao liên tục trong suốt cả năm để phục vụ cho những người dùng rủng rỉnh tiền bạc. Và một thế hệ iPhone lại được duy trì trong vài năm với giá giảm dần.
Điều đó có nghĩa, nếu iPhone X từng là giấc mơ mà bạn ấp ủ suốt thời gian qua, khi iPhone XS ra mắt cũng là lúc bạn có cơ hội sở hữu giấc mơ của mình với giả rẻ hơn. Bạn có iPhone X, còn Apple thì có doanh thu từ bạn, và từ một chiếc iPhone thế hệ cũ.
Tất nhiên, Apple vẫn đang vật lộn để thâm nhập vào những thị trường đang phát triển, đông dân, chuộng giá rẻ như Ấn Độ, Trung Quốc. Tuy nhiên, vị thế và những giá trị của iPhone sẽ tiếp tục khó bị đe dọa trong vài năm tới.
Đâu đó, trong những nước đang phát triển, nơi có dân số trẻ và đang giàu lên nhanh chóng, có những người dùng muốn vượt qua khỏi “định mức” giá rẻ để chạm tay đến giấc mơ của xa xỉ, giàu sang – giá trị mà iPhone đã vun đắp suốt hàng chục năm qua.
Tăng Khánh